(HQ Online) – Khi tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, DN được cơ quan Hải quan cấp chứng nhận là thành viên Chương trình, giúp DN nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền đề để DN được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế…

Lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp.
Ảnh: Cục Hải quan Quảng Ninh cung cấp

Tuyên truyền, quảng bá Chương trình

Theo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), kết quả triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022) cho thấy, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã tích cực tổ chức triển khai Chương trình và có nhiều sáng kiến, cách thức tuyên truyền, hỗ trợ DN tham gia Chương trình được cộng đồng DN ghi nhận và ủng hộ. Đơn cử như các Cục Hải quan: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ cấp Giấy chứng nhận cho DN thành viên Chương trình và gửi cho các cục hải quan tỉnh, thành phố trao cho DN thành viên.

– Trường hợp thu hồi tư cách thành viên, cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện ra thông báo thu hồi tư cách thành viên theo quy định, đồng thời thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận của doanh nghiệp.

– Trước 15 ngày khi Giấy chứng nhận hết hạn, cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Cục Quản lý rủi ro để thực hiện việc cấp lại cho DN thành viên.

Cục Quản lý rủi ro sẽ có thông báo cụ thể khi phát hành Giấy chứng nhận để các cục hải quan chủ động phối hợp tiếp nhận và tổ chức trao cho DN thành viên trên địa bản.

Qua theo dõi của phóng viên, tại các Cục Hải quan: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… đã chủ động tuyền tuyền về Chương trình tại các Hội nghị đối thoại Hải quan-DN định kỳ. Tại các hội nghị gặp mặt DN, DN đã thấy được lợi ích khi tham gia Chương trình và bày tỏ mong muốn tham gia Chương trình.

Tính đến tháng 6/2023, có 213 DN xuất nhập khẩu, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên Chương trình Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan tại 34 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Với mục tiêu tăng tối thiểu 20% DN tham gia Chương trình trong năm 2023, để tiếp tục triển khai giai đoạn II, khắc phục các tồn tại hạn chế nêu trên, Cục Quản lý rủi ro đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hình thức, biện pháp tuyên truyền, quảng bá Chương trình, các chương trình quan hệ đối tác với cộng đồng DN trên địa bàn quản lý, tập trung giới thiệu, giải thích vào các nội dung chủ yếu về lợi ích của DN khi tham gia Chương trình.

Đó là DN được cơ quan Hải quan hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ từ đó giảm tỷ lệ kiểm tra hải quan đối với hàng hóa XNK, đồng thời sẽ hưởng các ưu đãi về thủ tục trong quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, DN được cơ quan Hải quan cấp chứng nhận là thành viên Chương trình, giúp DN nâng cao thương hiệu, uy tín và là tiền để để DN được hưởng các ưu đãi trong trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước và trên thị trường quốc tế…

Cũng theo Cục Quản lý rủi ro, bên cạnh những kết quả tích cực mà Chương trình mang lại, các biện pháp tuyên truyền, phổ biến Chương trình còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và chiều hướng giảm về chất lượng, hiệu quả dẫn đến một số DN còn chưa hiểu rõ về Chương trình, nhất là lợi ích khi trở thành thành viên Chương trình. DN còn tâm lý e ngại, sợ phát sinh thêm công việc hành chính, chịu thêm sự kiểm soát của cơ quan Hải quan nên không chủ động, nhiệt tình tham gia hoặc tham gia chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Cơ chế trao đổi, tương tác thông tin thường xuyên giữa cơ quan Hải quan với DN thành viên trong khuôn khổ Chương trình còn chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN còn chưa được kịp thời, hiệu quả.

Đa dạng hóa các loại hình DN tham gia

Để từng bước mở rộng Chương trình, đa dạng hóa các loại hình DN tham gia, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt cho cục hải quan tỉnh, thành phố, trong giai đoạn II, mới đây, Cục Quản lý rủi ro đã có công văn gửi các cục hải quan tỉnh, thành phố về tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Theo đó, ngoài các DN được lựa chọn theo tiêu chí của Chương trình, trên cơ sở các hoạt động quan hệ đối tác, tuyên truyền, tiếp xúc doanh nghiệp, cục hải quan các tỉnh, thành phố có thể mời các DN chủ động đề nghị tham gia Chương trình. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung tập huấn hướng dẫn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan tại các Chương trình hệ đối tác cho cộng đồng DN trên địa bàn quản lý.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, đảm bảo triển khai giai đoạn II của Chương trình. Cụ thể, tập trung, đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ kịp thời các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đảm bảo chế độ báo cáo, thực hiện kế hoạch hành động và thông báo định kỳ trong khuôn khổ Chương trình đối với DN thành viên trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Chia sẻ, áp dụng sáng tạo các biện pháp trao đổi thông tin, liên lạc tương tác hiệu quả với DN thành viên (qua đường dây nóng, phần mềm zalo, viber trên điện thoại di động… ) để chủ động trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, giải thích pháp luật, đồng thời ghi nhận các nguyện vọng, yêu cầu, vướng mắc của DN để kịp thời xử lý. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung tập huấn hướng dẫn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan tại các Chương trình hệ đối tác cho cộng đồng DN trên địa bàn quản lý.

Nguồn: Hải Quan Online

Bài viết liên quan